Thích ứng hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần sản xuất xanh, bền vững là giải pháp nhiều địa phương tăng cường thực hiện.
Chọn tạo, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi
Các nhà khoa học dự báo, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 45% diện tích đất có nguy cơ nhiễm mặn, năng suất lúa giảm 9%, sản lượng cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất, đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, bình tuyển, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu là rất cần thiết.
Theo ông Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có đóng góp rất quan trọng về sản lượng lúa, thủy sản, trái cây phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, với diện tích trồng cây ăn quả 363,7 ngàn ha, đây là vùng sản xuất, xuất khẩu trái cây nhiệt đới lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với khu vực này. Thích ứng, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào phát triển các giống cây ăn quả chủ lực, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chọn tạo, phát triển nhiều giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, được công nhận và đưa vào sản xuất. Viện nghiên cứu, chuyển giao nhiều tiến bộ về kỹ thuật canh tác giúp giảm chi phí “đầu vào”, khai thác tối đa tiềm năng, năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản… Viện tiến hành phục tráng giống và bình tuyển các cây đầu dòng đặc sản, bản địa như bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, chôm chôm Java, xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng… Qua đó, nâng cao chất lượng quả, chống thoái hóa vườn cây, góp phần sản xuất cây ăn quả bền vững cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thích ứng với hạn, mặn, ngập, phèn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra hoặc các điều kiện bất thuận khác, Viện Cây ăn quả miền Nam đẩy mạnh hướng nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo giống cây trồng làm gốc ghép. Qua đó, Viện đã tuyển chọn và lai tạo thành công nhiều dòng, giống gốc ghép như các giống, dòng cây ăn quả chịu mặn, giống cây ăn quả gốc ghép chống chịu ngập hay giống gốc ghép cây có múi chống chịu được bệnh thối rễ…
Cùng đề cập vấn đề chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, với vai trò là trung tâm khoa học – công nghệ của vùng, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng và sức đề kháng sâu bệnh cao. Đồng thời, cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản… trong sản xuất và sinh hoạt. Thông qua thực hiện các dự án thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi, thành phố đã có trên 50 quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất. Đặc biệt trong đó có các quy trình: Sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất và bảo quản lúa; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; chăn nuôi gà Sao, gà Ai Cập; sản xuất hoa chất lượng cao, đưa vào sản xuất hiệu quả trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu… Xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng.
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, thành phố đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: Vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), vùng lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), mô hình trồng hoa lan thương phẩm từ các giống hoa lan Cattleya, Dendrobium Vanda và Mokara nuôi cấy mô trong hệ thống nhà lưới, trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao tại quận Ninh Kiều, sản xuất cam Xoàn và nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGap… góp phần nâng cao nhận thức sản xuất sản phẩm an toàn cho nông dân, thực hiện liên kết sản xuất, tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: baotintuc.vn