Khoa học công nghệ phát triển TP Hồ Chí Minh – Bài cuối: Đổi mới sáng tạo để bứt tốc

Cái nôi khoa học công nghệ

Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo sự lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thành phố luôn nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới kể từ năm 2017 đến nay.

Thành phố là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là địa phương luôn tiên phong trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2016 – 2022, Thành phố đã hỗ trợ hình thành 45 cơ sở ươm tạo, hỗ trợ hơn 3.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo cho các sinh viên, trí thức trẻ khởi nghiệp sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời nghiên cứu, giải quyết các “điểm nghẽn”, vấn đề vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Thành phố hình thành một số cơ chế mới trong quản lý khoa học và phát triển công nghệ như cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế, đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý tài chính đối với các hoạt động khoa học công nghệ.

Các Đề án: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 – 2035; Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh đã được đã ban hành.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho ươm tạo và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Thành phố đã ban hành, thực thi nhiều chính sách đa dạng, đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố được đánh giá là đang đi đầu trong cả nước, đồng thời đang hình thành các mối liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới.

Các chính sách giúp cho Thành phố trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và là một trong những địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo được Thành phố quan tâm với nhiều bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế như Phần Lan, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Israel, Tập đoàn Lotte… Điều này nhằm phối hợp hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tiếp cận thị trường, các nguồn tài chính quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, những nỗ lực trong suốt những năm qua giúp Thành phố Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu. Năm 2022, Thành phố ở vị trí 111 tăng 68 bậc so với năm 2021. Thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số toàn quốc năm 2021 (tăng 2 bậc so với năm 2020). Kinh tế số Thành phố năm 2022 chiếm 15,38% GRDP thành phố (vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%).

Sáng tạo cho phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dù có nhiều giải pháp nhưng phát triển khoa học và công nghệ vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Đầu tư của nhà nước và xã hội cho lĩnh vực khoa học và công nghệ vẫn chưa tương xứng tiềm năng; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ đã có đổi mới nhưng chưa theo kịp cơ chế thị trường; một số chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, bất cập.

Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á…Kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP”.

Để thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố xác định động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế – xã hội chính là phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu…

Nguồn: baotintuc.vn

Next Post

Trung Quốc biến "chiếc ấm đun nước" trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm

CN Th5 7 , 2023
Không quốc gia nào làm được như Trung Quốc Doanh nhân nghỉ hưu He Run nhớ lại chiếc điện thoại di động đầu tiên của ông “có kích thước bằng một chiếc ấm đun nước nhỏ” và giá trị thì hơn cả tiền lương một năm đối với hầu hết […]
Trung Quốc biến “chiếc ấm đun nước” trở thành thiết bị công nghệ được hàng tỷ người trên thế giới say mê: Âm thầm

You May Like