Công nghệ đổi mới diện mạo ngành Ngân hàng

Sáng tạo số dựa trên công nghệ mới

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA, cho rằng tài chính toàn cầu đang chuyển dịch từ các trung tâm truyền thống tại Bắc Mỹ và châu Âu về châu Á. Hầu hết dấu hiệu chỉ ra rằng quá trình dịch chuyển từ Tây sang Đông này sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và NHNN đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đó chính là cơ hội để các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính thích ứng với bối cảnh mới nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.

cong nghe doi moi dien mao nganh ngan hang TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA phát biểu tại sự kiện.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), công nghệ Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng nhiều hơn.

Có thể thấy, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã mang lại những kết quả tích cực. Với kết quả 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng, qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.

Ngân hàng bắt tay Fintech đẩy nhanh số hóa

Theo Tổng Thư ký VNBA, lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua cũng đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ.

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin, VNPay và MoMo là hai đại diện của Việt Nam trong Top 10 công ty Fintech được rót vốn lớn nhất Đông Nam Á. Đạt được kết quả như vậy là do có sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sửa đổi dự thảo Luật Giao dịch điện tử và xây dựng dự thảo Nghị định sandbox…

Thời gian tới, xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc. Theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm Fintech.

cong nghe doi moi dien mao nganh ngan hang Đại biểu cắt băng khai mạc Hội thảo.

Các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm với kinh nghiệm hoạt động, tài chính đủ mạnh, dữ liệu khách hàng lớn, mạng lưới rộng khắp song lại có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech. Mặt khác, các công ty Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả. Chính vì vậy, theo ông Hùng, sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng. Với dự kiến thị trường Fintech tại Việt Nam đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024, yếu tố này chắc chắn sẽ khiến cho ngành Ngân hàng có những thay đổi không nhỏ trong tương lai.

Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ

Trao đổi tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) Đoàn Thanh Hải nêu nhận định, ngành tài chính – ngân hàng đang phát triển nhanh chóng và đổi mới là chìa khóa để giữ vững sự phát triển này. Điện toán đám mây là một trong những sự đổi mới đã thay đổi cách các ngân hàng hoạt động. Cụ thể, điện toán đám mây cho phép các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác lưu trữ và quản lý khối lượng dữ liệu lớn một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện tính linh hoạt và khả năng phản ứng đối với những thay đổi của thị trường. Nó cũng mở ra cơ hội mới cho việc hợp tác và tích hợp giữa các bộ phận khác nhau trong hệ sinh thái tài chính.

Mặt khác, theo ông Hải, một xu hướng phát triển công nghệ khác đầy hứa hẹn đang thay đổi ngành tài chính – ngân hàng là tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).

CBDC là phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ truyền thống được phát hành và bảo đảm bởi ngân hàng trung ương. Chúng có tiềm năng để đơn giản hóa hệ thống thanh toán, giảm chi phí giao dịch và cải thiện giải pháp tài chính toàn diện. Tuy nhiên, cũng có những thách thức và rủi ro đáng kể liên quan đến CBDC, bao gồm các vấn đề về sự riêng tư, tính bảo mật và các quy định đối với loại tiền này.

cong nghe doi moi dien mao nganh ngan hang Toàn cảnh Hội thảo

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) là các công nghệ đầy đột phá khác đang biến đổi ngành tài chính – ngân hàng. AI có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và tạo ra thông tin hữu ích để hỗ trợ quyết định đầu tư, chiến lược quản lý rủi ro và tương tác với khách hàng. Nó cũng có thể được sử dụng để tự động hóa các công việc thông thường và cải thiện hiệu quả của các hoạt động văn phòng. Tuy nhiên, cũng như đối với CBDC, cũng có những vấn đề thuộc đạo đức và các quy định quan trọng cần được giải quyết khi triển khai ứng dụng AI trong ngành tài chính – ngân hàng.

Hay như công nghệ Blockchain là một lĩnh vực có tiềm năng và thu hút sự quan tâm lớn trong ngành tài chính – ngân hàng. Blockchain là một công nghệ sổ cái phi tập trung có thể được sử dụng để lưu trữ và quản lý các giao dịch, hợp đồng và dữ liệu tài chính khác một cách an toàn. Nó có tiềm năng để biến đổi cách hoạt động của các tổ chức tài chính bằng cách giảm thiểu nhu cầu về các trung gian, tăng tốc độ và bảo mật của các giao dịch. Tuy nhiên, như với bất kỳ công nghệ mới nào, cũng có những thách thức và rủi ro đáng kể liên quan đến Blockchain, bao gồm các vấn đề về tương thích, khả năng mở rộng và quy định.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, để thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, NHNN cũng đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định để cho phép ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, máy học…

Cụ thể như Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sanbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở đối với lĩnh vực thanh toán trong ngành Ngân hàng; Quy định về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng với khách hàng… Đồng thời, trên cơ sở các Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân… của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục hướng dẫn áp dụng để đảm bảo tạo thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

“Chuyển đổi số không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn liên quan đến con người và quy trình. Nó đòi hỏi một tư duy sáng tạo, thử nghiệm và học hỏi liên tục; đòi hỏi sự hợp tác giữa các ban, ngành và các ngành công nghiệp khác nhau. Việc chuyển đổi cũng cần sự cam kết đổi mới đạo đức và có trách nhiệm đặt nhu cầu và lợi ích của khách hàng và xã hội lên đầu tiên”, ông Đoàn Thanh Hải nói.

Sự kiện Chuỗi Đổi mới tài chính thế giới (WFIS) dự kiến sẽ thu hút hơn 350 giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức: ngân hàng, bảo hiểm và tài chính vi mô hàng đầu trong khu vực tham gia. Đây là sự kiện được TradePass tổ chức thường niên nhằm kết nối các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu. Chuỗi sự kiện WFIS cũng đã được tổ chức thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia…

Trong hai ngày diễn ra, sự kiện sẽ trao đổi, thảo luận nhiều nội dung như Hợp lý hóa hệ thống trong ngân hàng: Đột phá thị trường với những đổi mới kỹ thuật số; Giải phóng sức mạnh của cho vay kỹ thuật số: Bắt tay vào chuyển đổi kỹ thuật số; Chuyển đổi kỹ thuật số: Đẩy nhanh chiến lược ngân hàng thời đại mới để khuyến khích đổi mới và khả năng thích ứng; Thúc đẩy việc cung cấp nhanh chóng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số thông qua hệ thống ngân hàng mở…

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Next Post

Top 4 cách hack pass wifi trên win 8 hay nhất, đừng bỏ qua

T3 Th4 4 , 2023
Duới đây là các thông tin và kiến thức về cách hack pass wifi trên win 8 hay nhất và đầy đủ nhất
Top 4 cách hack pass wifi trên win 8 hay nhất, đừng bỏ qua

You May Like