Bài 2: Chìa khóa nằm ở đổi mới công nghệ

Xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)… được xác định là xu thế phát triển tất yếu của ngành Hải quan hiện nay. Điều này đã được Bộ Tài chính thể chế hóa trong Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26.1.2021 phê duyệt chủ trương Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số. Trong đó, đáng lưu ý là việc sử dụng AI để tự động đánh giá, lựa chọn phân luồng thông qua hệ thống nhận biết và các thuật toán xử lý dữ liệu lớn.

Quyết định số 628/QĐ-TTgngày 20.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 cũng đặt ra quan điểm là “lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới”.

Cụ thể, ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, với các chỉ tiêu như 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số,… Việc chuyển các hoạt động nghiệp vụ sang tự động hoàn toàn là phù hợp với chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt, gắn với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Các công nghệ mới này cho phép quản lý biên giới thông minh bằng các mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của WCO. Việc này sẽ hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu.

Công nghệ quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO được áp dụng để đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm hàng hóa sử dụng đúng mục đích đã kê khai với cơ quan hải quan dựa trên nguyên tắc rủi ro, lấy phân tích dữ liệu làm nền tảng trên cơ sở ứng dụng sâu AI. Đặc biệt, mô hình này thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Các công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ cơ quan hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước; trao đổi dữ liệu hải quan với các nước.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Next Post

'Net zero là sức ép đổi mới công nghệ'

T3 Th7 4 , 2023
Thông tin được Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ tại tọa đàm “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế” tổ chức chiều 30/6 tại Hà Nội. Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và Australia đã […]
‘Net zero là sức ép đổi mới công nghệ’

You May Like