MAI QUYÊN
Theo các nhà phân tích, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể là lĩnh vực mới trong cuộc chiến giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khách tham quan tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) ở Thượng Hải. Ảnh: Xinhua
Từ năm 2018, Mỹ bắt đầu hạn chế Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt. Những biện pháp siết chặt kiểm soát được ban hành xuyên suốt từ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đến Tổng thống Joe Biden hiện nay, phản ánh sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Washington.
Về phần mình, Trung Quốc không ngừng tìm cách cải thiện năng lực tự cung tự cấp nhằm thu hẹp khoảng cách, thậm chí tiến tới loại bỏ công nghệ Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử như tháng rồi, Bắc Kinh ra thông báo yêu cầu các công ty hạ tầng thông tin quan trọng ngừng mua các sản phẩm do hãng chip Mỹ Micron sản xuất. Vì Trung Quốc là thị trường cực lớn của Micron, nên động thái này khiến cuộc chiến vi mạch Mỹ – Trung ngày càng leo thang và dường như không có lối thoát cho bất cứ bên nào.
Không chỉ ngành bán dẫn, Giám đốc công ty tư vấn Geopolitan Business trụ sở ở Canada, Abishur Prakash cho biết áp lực cạnh tranh và trả đũa cũng diễn ra tương tự trong các lĩnh vực công nghệ nền tảng khác như mạng 5G, khoa học thông tin lượng tử, công nghệ sinh học và năng lượng xanh. Một trong những công nghệ được coi trọng hiện nay là AI tạo sinh được dự báo sớm bị kéo vào cuộc chiến giữa hai cường quốc.
Mỹ muốn ngăn tham vọng của Trung Quốc
Nói với trang tin CNBC, Paul Triol tại công ty tư vấn Albright Stonebridge dự đoán Mỹ sẽ tăng cường nhắm đến các chương trình phát triển công nghệ của Trung Quốc và sáng tạo liên quan AI là mục tiêu không tránh khỏi. Chính sách này được xúc tiến khi chính quyền Tổng thống Biden xác định công nghệ nào mang lại lợi ích cho tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, vừa giúp các công ty đại lục tạo ra đột phá trong lĩnh vực AI tạo sinh.
Về cơ bản, AI có thể thực hiện các nhiệm vụ của mình và tiếp nhận các kỹ năng mới nhờ học máy sâu (deep machine learning). Trong đó, quá trình xử lý đòi hỏi khối lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán khổng lồ được cung cấp bởi các thiết bị bán dẫn cụ thể. Một trong những công ty đang đứng đầu thị trường về những con chip như vậy là Nvidia có trụ sở tại California (Mỹ). Do đó, một phần trong kế hoạch của Mỹ ngăn tham vọng thống lĩnh công nghệ AI của Trung Quốc chính là không để Bắc Kinh tiếp cận những công ty như Nvidia. Bên cạnh đó, Washington đang hướng tới việc thiết lập các quy tắc đối với đầu tư của Mỹ vào các công ty nước ngoài liên quan đến AI. Điều này phản ánh hướng kiểm soát công nghệ của Tổng thống Biden trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Nỗ lực của BẮC KINH
Trung Quốc coi phát triển AI tạo sinh là ưu tiên chiến lược với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ này đến năm 2030. Trong bối cảnh Mỹ tìm cách hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các sản phẩm chip AI quan trọng, chính quyền Bắc Kinh và các công ty công nghệ trong nước càng thêm nỗ lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn “made in China”.
Gần đây, một số gã khổng lồ công nghệ đại lục có động thái gây chú ý sau khi ChatGPT do công ty OpenAI của Mỹ phát triển tạo ra “cơn sốt” trên toàn thế giới. Chẳng hạn như Baidu và Alibaba, hai ông lớn công nghệ này vài tháng qua liên tục cho ra mắt sản phẩm chip AI và tung các bản thử nghiệm cạnh tranh với ChatGPT.
Trong cuộc gặp mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, công nghệ không được đề cập nhiều trước truyền thông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng 2 bên chắc chắn đã thảo luận về lĩnh vực này. Mặc dù các tuyên bố sau đó khẳng định Mỹ – Trung đang tìm kiếm quan hệ tốt đẹp hơn, các nhà phân tích cho rằng căng thẳng do cạnh tranh về công nghệ sẽ còn kéo dài khi 2 cường quốc vẫn bế tắc trong nhiều vấn đề. Phát biểu hồi đầu tuần, chính ông Blinken cũng tái khẳng định Mỹ không có lợi gì khi cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ có thể được sử dụng để chống lại Washington.
Nguồn: Báo Cần Thơ